Sử dụng cây nặn mụn để lấy nhân mụn có phải là một việc mà chúng ta nên làm hay không? Và nếu có thể thì phải làm thế nào để thực hiện đúng cách? Cùng theo dõi những giải đáp của chuyên gia ngay sau đây.
Mụn được hình thành từ nhân mụn, có lẽ ai trong chúng ta cũng hiểu rõ điều này. Nhưng có nên dùng cây nặn mụn để lấy nhân mụn hay không thì lại là một vấn đề cần được xem xét lại. Trước hết, bạn cần biết là mụn không phải là một tình trạng hiếm gặp, mà ngược lại rất phổ biến ở độ tuổi dậy thì và sau dậy thì. Mụn không phải là bệnh, nhưng nhiều người cho rằng mụn khiến họ muốn phát bệnh vì ảnh hưởng nhiều đến tâm lý. Do vậy, không ít trường hợp gửi thư về cho cachdieutrimuntrungca.com chỉ với duy nhất một câu hỏi: “Có nên dùng cây nặn mụn lấy nhân mụn không”.
Chuyên gia chăm sóc sắc đẹp Hạnh Lê (Viện thẩm mỹ Beauty Natural) sẽ giúp chúng ta giải quyết thắc mắc trên.
Dùng cây nặn mụn để lấy nhân mụn, nên hay không ?
Mụn trứng cá vốn được biết đến là “kẻ thù số một” của làn da. Hậu quả của nó mang lại không chỉ đau rát khó chịu, mà còn để lại những đốm đỏ có mủ và những vết thâm gây mất thẩm mỹ vô cùng. Do vậy, dễ hiểu khi đại đa số người bị mụn thường có tâm lí muốn nhanh chóng loại bỏ nhân mụn ra khỏi da càng nhanh càng tốt. Cây nặn mụn ra đời chính là để phục vụ cho nhu cầu đó. Vấn đề đặt ra ở đây là có thể dùng cây nặn mụn để lấy nhân mụn hay không?
Thắc mắc của bạn đọc:
“Chuyên mục cho em hỏi là có nên lấy nhân mụn bằng cây nặn mụn hay không? Vì em thấy nếu cứ bôi thuốc hay đắp mặt nạ thì mụn chỉ bớt sưng thôi, nhân mụn còn nằm ở trong nên không xẹp được, sờ vào rõ ràng là thấy cứng. Nhưng em lại sợ dùng cây nặn mụn sẽ gây sẹo mụn trên mặt nên cũng không dám làm. Mà cứ để yên vậy thì da em ngứa nhức khó chịu lắm, trông mất thẩm mỹ nữa. Mong chuyên gia tư vấn tình trạng này giúp em với ạ.”
(Linh Lan, nhân viên văn phòng, Đồng Nai).
Thắc mắc của bạn gái trong thư là có cơ sở, vì không phải lúc nào cây nặn mụn cũng mang đến hiệu quả như mong muốn và không phải loại mụn nào cũng có thể nặn được. Nhưng cây nặn mụn là gì mà có thể loại bỏ nhân mụn dễ dàng vậy?. Được sản xuất từ nhiều năm về trước và được phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới, dụng cụ nặn mụn thường có chất liệu bằng kim loại, thân nhỏ và có đầu hình tròn, trên đầu có lỗ rỗng. Một số loại cây nặn mụn sẽ có thêm một đầu có móc khều để người dùng có thể dễ dàng gỡ phần bao trên đầu mụn. Nhân mụn sẽ được lấy qua lỗ tròn, thông qua việc dùng lực đè que nặn mụn lên vùng da xung quanh.
Tuy cây nặn mụn có thể lấy đi cồi mụn một cách nhanh chóng nhưng không phải đốm mụn nào cũng có thể áp dụng theo cách này được. Tốt nhất, chúng ta cần tìm hiểu và phân biệt được những loại mụn được nặn và không được nặn, tùy theo tình trạng mụn mà xem xét có nên dùng cây nặn mụn hay không. Vì nếu không thực hiện đúng cách thì sẽ khiến cho mụn sưng to, gây nên tình trạng viêm nhiễm, trầy da và tệ hơn là để lại thâm sẹo sau này.
Theo chuyên gia thì chúng ta chỉ được dùng cây nặn mụn để nặn các đốm mụn mọc riêng rẽ, có kích thước nhỏ cùng với cồi mụn đã khô cứng và trồi lên bề mặt da (dân gian hay còn gọi đó là những mụn đã “chín”). Ngược lại, những loại mụn tuyệt đối không được nặn với bất cứ hình thức nào là mụn bọc sưng đau không thấy đầu mụn (mụn bọc chai), mụn trứng cá ác tính có kích thước lớn và viêm sưng, mụn trứng cá cụm mọc thành từng đám có mủ hôi và mụn nhọt đinh râu. Đối với những dạng mụn này, việc dùng cây nặn mụn tác động không những không lấy được nhân mụn mà còn khiến mụn sưng to hơn và xuất hiện tình trạng “nhảy” mụn.
Dùng cây nặn mụn để lấy nhân mụn như thế nào cho đúng?
Sau khi đã xác định được đốm mụn trên da mình thuộc loại mụn có thể nặn được bằng cây nặn mụn, bạn hãy chú ý thực hiện theo hướng dẫn sau đây để hạn chế tối đa tình trạng viêm nhiễm. Trước khi nặn mụn, bạn phải đảm bảo da mặt của mình đã được rửa sạch với sữa rửa mặt. Sau đó là bước xông hơi để lỗ chân lông giãn nở ra, giúp bụi bẩn dễ dàng thoát ra bên ngoài và nhân mụn cũng được lấy ra dễ dàng hơn, giảm thiểu cảm giác đau khi nặn. Đừng quên rửa thật sạch tay và tiệt trùng cây nặn mụn bằng nước sôi nhé, vì đây là một bước quan trọng để loại bỏ vi khuẩn có khả năng gây viêm da.
- Đối với mụn đầu đen và mụn đầu trắng
Hai dạng mụn này có nhân mụn nhưng không có dịch mủ bao quanh, do đó bạn phải đợi cho đến khi cồi mụn đã trồi lên bề mặt da thì mới được dùng cây nặn mụn để lấy. Khi lấy nhân mụn, bạn đặt cây nặn mụn sao cho lỗ tròn của nó bao xung quanh đốm mụn rồi sau đó dùng lực ấn nhẹ vào da. Thực hiện thao tác xoay quanh đầu mụn để đẩy nhân mụn trồi lên, rồi dùng nhíp gắp nhân mụn ra. Không nên đè mạnh một chỗ sẽ khiến da sưng đỏ, bầm tím, đặc biệt là dạng nhân cứng.
- Đối với mụn trứng cá có mủ
Thông thường thì ở giai đoạn mới hình thành, mụn mủ sẽ sưng đỏ và chưa có mủ, nhưng nếu bạn muốn loại bỏ chúng thì chỉ nên thực hiện khi mụn đã chín muồi. Dấu hiệu để nhận biết là mụn không còn sưng đỏ, cứng, không đau nhức nhiều như lúc mới nổi, dịch mủ gần như đã khô lại. Khi đó, chúng ta đã có thể thực hiện lấy nhân mụn như hướng dẫn với mụn đầu trắng và đầu đen ở trên. Tuy nhiên, với mụn mủ thì dù trông có vẻ khô thì vẫn sẽ còn dịch mủ, sau khi lấy nhân mụn thường thì sẽ có máu, do đó nên dùng băng gạc thấm hết mủ và máu cho đến khi khô hẳn.
- Những lưu ý sau khi sử dụng cây nặn mụn để lấy nhân mụn
Có một điều quan trọng bạn cần phải nhớ là ngay sau khi lấy nhân mụn bằng cây nặn mụn, cần phải làm sạch vùng da vừa tác động bằng dung dịch sát trùng hoặc nước muối loãng. Sau đó, chúng ta hãy vệ sinh cây nặn mụn bằng cách rửa bằng nước ấm, lau khô rồi cất vào hộp sạch bảo quản. Để da không bị thâm, sưng viêm thì sau khi vệ sinh da mụn với nước muối loãng, bạn hãy rửa mặt lại một lần nữa với nước ấm và thấm khô bằng bông tẩy trang.
Thời điểm thích hợp nhất mà chúng tôi khuyên bạn nên lấy nhân mụn là vào buổi tối trước khi đi ngủ. Lúc này, da sẽ không bị kích ứng bởi ánh nắng mặt trời nên sẽ phục hồi nhanh hơn. Sau khi hoàn thành tất cả các bước nặn mụn đúng cách, các nàng hãy thoa thêm một lớp lotion để dưỡng ẩm da và bôi kem trị thâm lên những đốm mụn vừa được lấy nhân xong nhé! Cuối cùng, hãy nhớ không nặn mụn quá 2 lần trong 1 tháng, vì điều này sẽ làm cho da không kịp hồi phục nên sẽ rất dễ bị thâm, sẹo lõm và những tổn thương khác.
⇒ Như vậy, chuyên gia của cachdieutrimuntrungca.com vừa giải đáp cho bạn đọc về việc có nên dùng cây nặn mụn để lấy nhân mụn không. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy không đủ tự tin để thực hiện thì có thể đến các các cơ sở làm đẹp uy tín để được hỗ trợ lấy nhân mụn nhanh chóng và an toàn hơn nhé!
Minh Châu.
Bạn cũng nên biết thêm về:
BÀI VIẾT ĐƯỢC XEM NHIỀU:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!