Loét da do chốc lở là căn bệnh thường gặp ở trẻ em. Tuy bệnh không nghiêm trọng nhưng nếu không được điều trị có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Tìm hiểu những thông tin dưới đây sẽ giúp các bậc phụ huynh biết cách chữa bệnh loét da ở trẻ em và chăm sóc sức khỏe cho bé yêu tốt nhất.
Tìm hiểu về bệnh loét da ở trẻ em
Bệnh loét da do chốc lở ở trẻ em là do hai loại vi khuẩn Staphylococcus Aureus và Strepxococcus Pyogenes kí sinh trên da. Khi trẻ bị các tổn thương trên da như vết xước hay côn trùng cắn, các vi khuẩn này sẽ xâm nhập vào cơ thể và sản sinh ra các độc tốgây nhiễm trùng da. Các độc tố này có thể làm phá hủy các tế bào liên kết của da và lây lan sang các vùng da lân cận.
Trẻ bị loét da do chốc lở thường có biểu hiện loét da ở các vùng da bị tổn thương trước đó, vết loét vỡ ra và hình thành lớp vảy có màu vàng nâu sau vài ngày. Các vết loét da tuy không gây đau nhưng lại gây ngứa ngáy và chứa nhiều mụn nước li ti. Nếu không được điều trị đúng cách, các vết loét này sẽ tiết dịch lỏng chứa mủ và khiến vết loét ăn sâu gây đau đớn cho trẻ.
Cách chữa bệnh loét da ở trẻ em
Để chữa bệnh loét da ở trẻ em, cần kết hợp đúng cách giữa việc chăm sóc và điều trị theo phương pháp sau đây:
Vệ sinh vết loét da cho trẻ
Đối với những trường hợp loét da nhẹ, vết loét hẹp, cha mẹ có thể sử dụng dung dịch NaCl 0.9 % hoặc thuốc tím 1/10.000 để rửa sạch vùng da bị tổn thương.
Nếu vết loét có mụn nước thì sau khi rửa sạch da thì dùng miếng gạc băng lại để tránh làm mụn nước vỡ lây lan sang các vùng da khác.
Bôi thuốc kháng sinh
Bôi thuốc kháng sinh sẽ giúp ngăn chặn vi khuẩn lây lan và tránh làm vết loét lan rộng hơn. Các loại thuốc mỡ, kem kháng sinh như axit fusidic (Fucidin, Foban) hay mupirocin (Bactroban) sẽ có hiệu quả trong trường hợp này. Tuy nhiên, cha mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi cho trẻ sử dụng để tránh bị dị ứng, nhiễm độc.
Uống thuốc kháng sinh
Nếu vi khuẩn lây lan khiến nhiễm khuẩn lan rộng, vết loét rộng và sâu, các bác sĩ thường cho trẻ uống loại thuốc kháng sinh phù hợp với tình trạng vết loét cũng như cơ địa của trẻ. Các nhóm thuốc kháng sinh β-lactam, macrolid, cephalosporin hay penicillin bán tổng hợp thường được bác sĩ kê toa và hướng dẫn phụ huynh cách sử dụng hiệu quả. Trong trường hợp trẻ bị ngứa nhiều, bác sĩ cũng có thể kê thuốc kháng Histamin như Loratadin, Phenergan để điều trị cho trẻ.
Chăm sóc trẻ bị loét da
Để hỗ trợ chữa bệnh loét da ở trẻ đạt kết quả tốt nhất, cha mẹ cần chú ý giữ vệ sinh cơ thể và chăm sóc trẻ cẩn thận. Hãy cho trẻ mặc quần áo rộng rãi thoáng mát, tránh để trẻ gãi hay chạm vào vết thương trên da. Ngoài ra, cha mẹ cũng không nên cho trẻ tiếp xúc với vật nuôi để tránh bị lây vi khuẩn.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!