“Mình bị khá nhiều mụn đầu trắng. Mình hoang mang không biết việc nặn mụn đầu trắng có nên hay không? Nhìn nó lấm tấm trên da khiến mình khó chịu quá, nhưng nặn thì lại sợ bị gì đó. Hơn nữa, mình cũng rất muốn biết cách chăm sóc da khi bị loại mụn này, rất mong chuyên mục giải đáp giúp mình ạ.“
(alexandre_alex…@gmail.com).
Ở trên chỉ là một trong khá nhiều câu hỏi có nội dung tương tự gửi về chuyên mục cachdieutrimuntrungca.com của chúng tôi. Bạn đừng ngạc nhiên khi loại mụn không gây đau, không quá ảnh hưởng đến thẩm mỹ này lại khiến nhiều người “mất ăn mất ngủ” như vậy. Bác sĩ Phạm Thị Mỹ Hòa (chuyên khoa Khám bệnh, bệnh viện Da liễu Hà Nội) sẽ giúp chúng ta giải đáp về mụn đầu trắng cùng những vấn đề xoay quanh nó.
I. Có nên nặn mụn đầu trắng không?
Trước khi trả lời câu hỏi trên, bạn nên có một hiểu biết nhất định về loại mụn này. Mụn đầu trắng, chúng ta có thể hiểu nôm na nó là mụn trứng cá không viêm (nghĩa là nó vẫn có nhân mụn), hình thành do sự hoạt động quá mức của các tuyến bã nhờn. Lớp bã nhờn tiết ra gặp bụi bẩn bên ngoài môi trường hoặc tế bào da chết sẽ tích tụ lại trong lỗ chân lông, lâu ngày hình thành nên nhân mụn.
Về đặc điểm nhận dạng, mụn đầu trắng dễ thấy với các đốm mụn li ti có đầu màu trắng, sờ vào thấy cộm, cảm giác ngứa nhưng không đau. Thông thường, loại mụn này sẽ xuất hiện nhiều ở những vùng da có tuyến bã nhờn hoạt động mạnh như vùng chữ T và có thể ở vai, lưng v.v…
Vậy, chúng ta có nên nặn mụn đầu trắng hay không? Câu trả lời là “không”. Nguyên nhân là vì tuy mụn đầu trắng không phải là dạng mụn sưng viêm nhưng nó hoàn toàn phát triển thành mụn trứng cá nếu chúng ta có những tác động không đúng với nó. Việc nặn mụn đầu trắng có thể kích thích vi khuẩn Pacnes dưới da khiến vùng da vốn đã bị mụn nay lại viêm nhiễm và tạo thành mụn mủ, mụn bọc, mụn nhọt. Nghiêm trọng hơn, khi dùng tay hoặc dụng cụ nặn mụn chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho bụi bẩn, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào đầu mụn, gây nhiễm trùng da và có khả năng để lại sẹo thâm rất khó điều trị.
Hơn nữa, mụn đầu trắng lại thường xuất hiện ở “vùng tử thần” (từ dùng để chỉ vùng da giữa 2 lông mày, kéo dài xuống hết mũi, nhân trung và cằm). Đây là vùng da tuyệt đối không được nặn vì sẽ có thể khiến mạch máu bị vỡ rất nguy hiểm.
II. Chăm sóc da mặt bị mụn đầu trắng như thế nào?
Như vậy, chúng tôi khuyên bạn hãy dừng việc nặn mụn đầu trắng ngay lại trước khi những hậu quả “khôn lường” kéo đến. Bên cạnh đó, bạn có thể áp dụng các biện pháp đơn giản để chăm sóc da khi bị mụn đầu trắng mà không cần phải nặn, có thể giúp tình trạng mụn của bạn được cải thiện rất nhiều đấy.
- Vệ sinh da mặt mỗi ngày 2 lần với sữa rửa mặt có chứa Acid salicylic. Chất này có khả năng kháng khuẩn, chống viêm và làm sạch sâu trong lỗ chân lông, kiểm soát lượng dầu trên bề mặt da.
- Mỗi tuần tẩy tế bào chết 1 lần, việc này rất có lợi cho da. Không những ngăn ngừa mụn đầu trắng mà còn có thể ngăn cản sự hình thành của mụn đầu đen.
- Thoa kem chống nắng mỗi buổi sáng (trước khi ra đường).
- Nếu mụn đầu trắng có dấu hiệu sưng, bạn có thể sử dụng thuốc bôi da có chứa Benzoy peroxide, Tretinoin…
- Nếu phải trang điểm thì phải tẩy trang cho thật sạch. Vì cặn trang điểm chính là một trong những lý do chính gây ra mụn đầu trắng.
- Xây dựng một chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học. Điều này sẽ giúp hoạt động tiết bã nhờn trên da được ổn định.
Mụn đầu trắng tuy không quá xấu xí như mụn trứng cá nhưng nó vẫn là một loại mụn, vẫn sẽ gây khó chịu và khiến làn da chúng ta không còn được láng mịn. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý không được nặn mụn đầu trắng. Ghi nhớ những thông tin được bác sĩ cung cấp ở trên sẽ giúp bạn sớm lấy lại làn da không tì vết.
Mỹ Hòa
Bạn cũng không nên bỏ qua những thông tin này:
BÀI VIẾT ĐƯỢC XEM NHIỀU:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!