Rau má là loại rau dân dã và vô cùng quen thuộc với tất cả chúng ta. Không chỉ được sử dụng trong ẩm thực, rau má còn có nhiều khả năng chữa bệnh và làm đẹp với hiệu quả tuyệt vời. Vậy, rau má có tác dụng gì? Cùng tìm hiểu những tác dụng của rau má qua bài viết sau đây nhé.
Đặc tính của rau má
Rau má có tên khoa học là Centella asiatica (L.) thuộc họ Hoa tán Umbelliferae, là một loài rau ưa ẩm, mọc lan trên đất nên thường sinh trưởng ở các bờ mương, ao đầm, thung lũng… Rau má thân nhẵn với rễ ở các mấu, lá rau má hơi tròn, có mép khía tai bèo, cuống dài mọc từ gốc hoặc từ mấu. Hoa rau má có màu đỏ hoặc tía, mọc ở các kẽ lá.
Theo y học cổ truyền, rau má có vị đắng, hơi ngọt, tính mát với tác dụng dưỡng âm, thanh nhiệt, giải độc, mát gan, lợi tiểu. Rau má thường được các thầy thuốc sử dụng để làm thuốc sát trùng, chữa mụn nhọt, rôm sảy, khí hư, thổ huyết, tả lỵ…
Nhiều nghiên cứu y học hiện đại cho thấy rau má chứa nhiều hoạt chất nhóm saponins, alkaloids, beta caroten, calcium, flavonols, iron, magnesium, manganese, potassium, phosphorus, saccharids, sterols, zinc và các vitamin B1, vitamin B2, vitamin B3, vitamin C, vitamin K… có khả năng chữa lành vết thương nhanh chóng, điều trị các chứng bệnh về da (thâm mụn, sẹo mụn vết bỏng, vẩy nến, lở loét), bệnh lao, bệnh phong…
Rau má có tác dụng gì ?
Với hàm lượng dinh dưỡng cao và các hoạt chất quý giá, rau má được sử dụng để nấu ăn và làm nước uống giúp bồi bổ cơ thể, điều chế thuốc chữa bệnh và làm đẹp da (làm mặt nạ rau má trị mụn và sẹo). Dưới đây là một số tác dụng thần kỳ của rau má mà bạn nên biết:
Rau má làm hạ sốt
Các thành phần trong rau má có khả năng hạ sốt rất hiệu quả. Nếu nhà bạn có trẻ nhỏ bị sốt, hãy lấy 1 nắm lá rau má rửa sạch, vò nát và đem đun sôi với một lượng nước vừa đủ trên lửa nhỏ trong 15 phút. Sau đó chắt nước ra để nguội bớt rồi châm cho trẻ uống nhiều lần.
Rau má giúp tăng cường trí nhớ
Rau má cũng có tác dụng tốt đến hệ thần kinh, giúp máu huyết lưu thông hiệu quả giúp tăng cường trí nhớ. bạn có thể đem lá rau má rửa sạch, phơi hoặc sấy khô rồi tán bột cho vào lọ bảo quản. Mỗi lần sử dụng thì dùng 3-5g bột lá rau má pha nước uống giúp tăng cường thị lực và giảm ngăn ngừa suy giảm trí nhớ.
Ăn rau má giảm stress
Rau má chứa triterpenoids, là hoạt chất thuộc nhóm saponins có khả năng tăng cường các hoạt động của hệ thần kinh và làm giảm lo lắng, căng thẳng. Bạn có thể sử dụng rau má theo nhiều cách như nấu canh, làm rau ăn sống hoặc xay lấy nước uống… để bồi bổ cơ thể và phòng ngừa bệnh tật.
Rau má tốt cho tim mạch
Kết quả nghiên cứu cho thấy, rau má có tác dụng giảm cholesterol trong máu, điều hòa mạch máu, giảm sưng và cải thiện quá trình lưu thông máu trong cơ thể nên phòng ngừa và hạn chế được các biến chứng do xơ vữa động mạch máu, suy và giãn tĩnh mạch.
Rau má chữa lành vết thương và làm đẹp da
Chất triterpenoids còn có khả năng làm lành các vết thương, chống oxy hóa ở vết thương và cung cấp máu để hồi phục và tái tạo vùng da bị thương nhanh chóng. Do đó, nhiều chị em cũng sử dụng rau má như một cách trị mụn và sẹo mụn, sẹo thâm trên da; dưỡng ẩm và ngừa lão hóa da, giúp da trắng hồng mịn màng.
*Lưu ý:
Tuy có nhiều tác dụng nhưng rau ám có thể làm xảy thai và giảm khả năng mang thai nên các chị em nào đang mang thai và cho con bú không nên dùng rau má nhé.
Mình thường sử dụng để đắp mặt nạ. Mặc dù đắp xong thấy mặt xanh lè nhưng mà được cái là da mịn màng và mát mẻ lắm. Tuần chỉ dùng có 2 lần thôi còn đâu mình cho vào làm nước uống hết. Tuy nhiên bây giờ chị em cẩn thận á rau má bây giờ người ta phun nhiều thuốc lắm. Tốt nhất kiếm chỗ nào rau má quê mà mua.